Bật mí kỹ thuật trồng rau mầm không cần giá thể

1. Lựa chọn hạt giống

Ngày trước, rau mầm thường được trồng trên giá thể, chẳng hạn như xơ dừa hay rơm rạ. Tuy nhiên, vào thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ và xã hội, chúng ta đã có được kỹ thuật trồng rau mầm không cần giá thể mới, thuận tiện hơn rất nhiều cho bà con nông dân và cả các hộ gia đình nhỏ. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng giá trị kinh tế mang lại khá cao. 

>>> Xem thêm: Cách làm đất mùn đơn giản tại nhà

Muốn trồng được rau mầm vừa tươi sạch vừa thơm ngon, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về cách lựa chọn hạt giống. Riêng đối với loại rau này, bạn có thể thoải mái lựa chọn loại hạt giống mà mình muốn, ví dụ như hạt đậu nành, đậu xanh, đậu đen hay các loại hạt rau muống, hạt cải,… Muốn rau phát triển tốt và mang lại năng suất cao, bạn cần phải xử lý nguồn nước kỹ càng trước khi gieo trồng. Có thể dùng vôi cục để xử lý nước tỷ lệ 2:1000, sau đó mới xử lý lại bằng phèn chua.

2. Xử lý hạt giống rau mầm

Trước khi gieo trồng, bạn cần chuẩn bị một ít nước ấm, được pha theo tỉ lệ 2 phần nước sôi: 3 phần nước lạnh, nhiệt độ trong khoảng từ 50 đến 54 độ để xử lý hạt. Cho hạt mầm vào ngâm trong nước ấm đã chuẩn bị ở trên trong vòng 15-30 phút nhằm loại bỏ các hạt bị lép hay sâu hại. Đối với các loại hạt cải, hạt đậu thì thời gian ngâm sẽ kéo dài hơn, khoảng từ 6 đến 7 tiếng, còn rau muống thì ngâm trong vòng 12 giờ.

3. Theo dõi và chăm sóc rau mầm

Trong kỹ thuật trồng rau mầm không cần giá thể, sau bước gieo hạt, chúng ta cần tưới một lượng nước sạch vừa đủ tầm ngang bề mặt hạt, ngâm trong vòng 15 phút rồi đổ nước ra thật nhanh. Có thể sử dụng đồ chắn để chặn hạt lại trong khi đổ để tránh cho hạt bị rơi vãi ra ngoài hay bị xáo trộn vị trí. Hoặc nếu bạn có van xả gắn ở đáy chậu thì có thể tháo van để nước tự thoát ra ngoài. 

Nên tưới nước cho rau mầm từ 3-4 lần mỗi ngày. Và phải đảm bảo rằng cây được đặt ở chỗ tối, và luôn có đồ che chắn trên bề mặt của chậu, bởi không gian càng tối thì rau sẽ càng cho năng suất cao hơn. Bạn cũng nên kiểm tra độ ẩm thường xuyên cho cây và đặt cây ở nơi có nhiệt độ khoảng từ 25 đến 30 độ C (nhiệt độ lý tưởng nhất cho cây nảy mầm).

4. Thu hoạch và bảo quản

Đặc điểm của cách trồng rau mầm này là bạn có thể thu hoạch trong thời gian rất ngắn, chỉ trong khoảng 3 ngày tưới nước liên tục là bạn đã có thể thu hoạch được một rổ rau tươi sạch thơm ngon rồi. Đối với hạt rau muống thì thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn một chút, trong khoảng từ 5-6 ngày. 

Rau mầm sau khi thu hoạch có thể dùng được ngay, một số cách sử dụng rau mầm thông dụng như là dùng làm rau sống, ăn kèm với các món xào, món nướng hoặc món chiên,… Nhưng khi ăn sống, bạn cần chú ý đến vấn đề vệ sinh và độ tươi của rau, phải rửa rau thật kỹ trước khi ăn và loại bỏ những cọng rau đã bị dập héo, sâu hại. Rau mầm không dùng hết có thể rửa sạch, để ráo nước, bỏ hộp hoặc gói lại thật kỹ rồi cho vào tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn. Bạn nên lót thêm một ít giấy báo hoặc giấy mềm bên dưới hộp trước khi cho rau vào để tránh tình trạng rau bị dập úng nhé.

Phương pháp kỹ thuật trồng rau mầm không cần giá thể này không những đơn giản mà còn vô cùng tiện lợi, có thể trồng ở bất cứ đâu, và còn cung cấp một lượng dinh dưỡng đáng kể cho cơ thể nữa chứ. Vậy thì bạn còn chần chờ gì mà không bắt tay vào thực hành luôn đi nào!

Tác giả: Team Cleanipedia

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.

Nguồn bài viết: https://www.cleanipedia.com/vn/ngoai-nha/ky-thuat-trong-rau-mam-khong-can-gia-the.html

Related Posts