Các mẹo chăm sóc cây sống đời không phải ai cũng biết

Đặc điểm của cây sống đời 

Sống đời còn có tên gọi khác là lá bỏng, diệp sinh căn, cây trường sinh. Là loài cây mọng nước thuộc họ nhà xương rồng. Chúng có thể thích ứng được nhiều khí hậu nhưng không chịu được ánh sáng mặt trời trực tiếp nóng bức và lạnh giá. Cây ưa thích nhất là môi trường hơi ẩm, ấm áp. Nhiệt độ lý tưởng để cây lá bỏng phát triển tốt nhất là khoảng 20-25oC.

Đặc trưng của cây sống đời là hoa sẽ nở thành từng chùm, tập trung ở trên, phần lá và thân đều rất dày. Hoa của chúng có màu sắc khá đa dạng như: tím, hồng, đỏ, cam, vàng. Phổ biến nhất hiện nay là các giống sống đời như:

  • Cây sống đời ta: hoa lồng đèn đỏ.

  • Cây sống đời đỏ: có hoa đỏ thẫm, sẽ nở tập trung vào dịp Tết Nguyên Đán.

  • Cây sống đời Đà Lạt: lá lớn, hoa nở thành hình lồng đèn.

  • Cây sống đời 5 màu: đa màu sắc, có bông nhuyễn, thường trổ hoa vào dịp Tết Nguyên Đán.

Các vấn đề thường gặp ở cây sống đời

Tại sao cây sống đời không ra hoa? Trồng bao lâu thì cây cho ra hoa?

Chu kỳ trổ bông của sống đời là từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Nếu bạn vẫn cung cấp nước đầy đủ theo nhu cầu của cây nhưng vẫn sống đời vẫn không nở hoa thì có thể thúc đẩy sự phát triển của mầm hoa, gia tăng số lượng cây trổ bông bằng cách bón thêm phân lân cho cây. Vào giai đoạn trước hè, nên thay đất để cung cấp thêm dinh dưỡng nuôi cây khoẻ mạnh. 

Bên cạnh đó, việc cắt tỉa cây sống đời cũng không kém phần quan trọng. Nên bấm ngọn đúng thời điểm để cây nảy mầm và cho ra nhiều nhánh phụ. Có nhiều cành thì cây sẽ càng lớn, hoa sẽ nở nhiều hơn. Thực hiện ngắt 2-3cm ngọn của thân cây chính. Tuỳ thuộc từng giống khác nhau nhưng thông thường sẽ bấm ngọn 2 lần. Thời gian cắt tỉa chồi ngọn và tạo dáng cho cây là vào tháng 7 hoặc tháng 8.

Cách khắc phục khi cây sống đời bị sâu bệnh tấn công? 

Tác động của môi trường cũng sẽ làm cho cây bị đe dọa bởi sâu bệnh như: sâu ăn lá, sâu vẽ bùa, rầy, bọ trĩ. Hãy xử lý chúng bằng cách phun thuốc Sherzol, Ofunack, Cyber.

Cây sống đời bị úa lá phải làm sao?

Khi cây gặp trường hợp lá úa vàng, cắt bỏ phần lá bị úa và kĩ hơn trong cách chăm sóc cây sống đời. Tránh để cây tiếp xúc ánh nắng gay gắt, đưa cây vào bóng râm hoặc nơi có ánh nắng nhẹ. Khi đất có dấu hiệu khô cằn, cần tưới nước cho cây.

Cách chăm sóc cây sống đời đúng chuẩn 

Cách chăm sóc cây sống đời sau khi ra hoa

Đừng bỏ qua bất ký yếu tố nào sau đây để cây sống đời phát triển tốt sau nở hoa:

  • Đất trồng: có độ thoáng cao và tơi xốp tốt. Có thể trộn thêm mùn, phân chuồng hoặc xơ dừa với mục đích tăng dinh dưỡng cần thiết và tăng khả năng thoát nước.

  • Ánh sáng: vì là loài thực vật ưa sáng nên bạn hãy đặt chậu sống đời ở những nơi không gian thoáng, có ánh sáng chiếu gián tiếp, cho ánh nắng nhẹ như cửa sổ hoặc ban công.

  • Nhiệt độ: duy trì nhiệt độ ổn định cây sẽ ra hoa liên tục và có màu rực rỡ, cây lá bỏng sẽ sinh trưởng tốt ở nhiệt độ từ 20-25oC. Nếu để cây trong không gian có nhiệt độ thấp kéo dài lá cây sẽ bị chuyển sang màu đỏ, ra hoa muộn. 

  • Tưới nước: tuy là loài ưa ẩm nhưng sống đời sẽ không chịu được ngập úng. Lưu ý khi tưới cần đảm bảo chậu có thể thoát nước để độ ẩm vừa đủ. Nên tưới dưới gốc cây, tránh tưới lên phần lá. Trung bình tưới 3-4 lần/ tuần hoặc tưới cây khi thấy đất khô.

  • Đổi chậu: khi thấy dấu hiệu thoát nước kém, nên đổi chậu trồng cho cây sống đời. Thường thì sẽ đổi một năm một lần, nhằm cung cấp dinh dưỡng mới để đất trồng nuôi cây tươi tốt hơn.

  • Bón phân: đây là cách chăm sóc cây sống đời giúp cây giữ vững phong độ và luôn xanh tươi. Các loại phân dùng để bón cho sống đời là phân hữu cơ, NPK. Thực hiện bón phân vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Để cây phát triển khỏe mạnh và cho hoa đúng mùa, cung cấp phân bón cho cây mỗi tháng một lần cho đến tháng 11. 

Hoa sống đời bao lâu thì tàn? Sau 20-30 ngày trổ bông, hoa sống đời trong chậu sẽ tàn. Lúc này, bạn nên đưa cây sang chậu mới lớn hơn, giữ nguyên bầu cây, thêm đất trồng và đem cây ra nơi có nắng vừa đủ như ban công. Sau đó, chăm sóc cây sống đời như bình thường, tưới nước đầy đủ cho cây.

Cách chăm sóc cây sống đời trong nước

Một số kỹ thuật cơ bản khi trồng cây sống đời trong nước bạn nên biết:

  • Nhỏ từ 1-2 giọt dung dịch thuỷ sinh để giúp cây thích nghi tốt với môi trường nước.

  • Ánh sáng tự nhiên kích thích cây sản sinh diệp lục cho cây xanh tươi, khỏe mạnh. Vì thế, hãy thường xuyên cho cây tắm nắng từ 7-9 giờ sáng mỗi ngày.

  • Thay nước cho cây 1 lần/ tuần. Chỉ nên đổ ngập ⅔ rễ cây để tránh xảy ra tình trạng thối rễ. Khi thấy nước xuất hiện vẩn đục, cần thay nước mới cho cây. 

  • Nếu nguồn nước bạn sử dụng là nước máy, nên phơi ở ngoài khoảng 1 ngày để loại bỏ bớt clo trước khi đổi nước cho cây nhé.

Cách chăm sóc cây sống đời kép

Cây sống đời kép có thể tạo cây con ở kẽ lá từ các khía của mép lá. Đặc điểm của cây là mọng nước, có đốm tía, thân tròn, nhẵn. Hoa rũ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay ở lá bên cạnh. Thường trổ bông đúng dịp mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 5). 

Cũng như cây sống đời đơn, cách chăm sóc cây sống đời kép cũng sẽ giống như vậy. Lưu ý thêm một số mẹo nhỏ như:

  • Mùa hè nên cắt bỏ chồi ngọn để nhánh mọc nhiều hơn, gia tăng lượng hoa.

  • Vào giai đoạn cây đang nở hoa, bón phân hai lần trong tháng đó. Vì khí ẩm nhiều sẽ làm rễ cây bị úng, do đó phần rễ này cần được cắt bỏ và thay đất trồng.

  • Khi bón phân, sử dụng khoảng 1 chén phân chuồng ủ hoai kết hợp với 1-2 muỗng bánh dầu hòa vào nước để tưới cây. Hoặc ngâm phân NPK và bánh dầu vào nước rồi tưới cho cây. 

Chỉ với một vài kỹ thuật về cách chăm sóc cây sống đời đơn giản tại nhà là bạn đã có ngay một chậu hoa khoe sắc rực rỡ, giúp không gian sống tràn đầy màu sắc hơn. Chúc các bạn áp dụng thành công và hãy chia sẻ bài viết này đến với những ai đang và có ý định trồng cây sống đời nhé!

Tác giả: Team Cleanipedia

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.

Nguồn bài viết: https://www.cleanipedia.com/vn/ngoai-nha/cach-cham-soc-cay-song-doi.html

Related Posts