Chi tiết 2 cách trồng xà lách từ gốc đơn giản, tiết kiệm tại nhà

1. Tại sao nên trồng xà lách từ gốc?

Xà lách được xem là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người. Ngoài việc cung cấp chất xơ, kèm theo các vitamin A,K và C tốt cho sức khỏe, xà lách còn là chất chống oxy hóa tuyệt vời. Bên cạnh đó, xà lách còn là nguyên liệu chính trong các bữa ăn cho những ai đang giảm cân bởi chúng không chứa quá nhiều calo, hỗ trợ tăng cường hệ tiêu hóa và cả hệ miễn dịch. 

Ngoài những lợi ích nêu trên, trồng xà lách từ gốc bỏ đi còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rác thải và còn tạo nên nguồn cung cấp rau sạch lâu dài cho gia đình. Chính vì những lợi ích này, Cleanipedia tin rằng các ý tưởng về cách trồng xà lách từ gốc dưới đây sẽ hữu ích cho bạn.

2. Các cách trồng xà lách từ gốc

Thay vì vứt bỏ đi phần gốc xà lách đã sử dụng, bạn có thể tận dụng chúng để “tái đầu tư” thành một vườn rau mới cho gia đình mình. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại ngày nay, có vô số cách sáng tạo để trồng xà lách từ gốc. Tuy nhiên đối với những hộ gia đình nhỏ, không có quá nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật cao, và để tiết kiệm chi phí, bạn có thể tham khảo hai cách trồng xà lách từ gốc đơn giản sau. 

2.1. Cách trồng xà lách từ gốc bằng nước

Đây được xem là cách đơn giản nhất để trồng xà lách từ gốc, chỉ cần một bát nước nhỏ và thậm chí không cần sử dụng đất. 

  • Sau khi sử dụng phần lá như bình thường, các bạn giữ nguyên phần gốc để trồng cây. Và ngâm ½ phần gốc đó trong khoảng nửa bát nước, sau đó đặt ở nơi thoáng mát có đủ ánh sáng mặt trời, tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây để tránh cây bị héo úa.

  • Để tránh cây ngập quá sâu trong nước, bạn có thể dùng tăm đâm xuyên qua phần gốc để giữ cho cây được cố định. Sau một vài ngày, các mầm non sẽ bắt đầu nhú lên, và bạn cần phải đảm bảo rằng ½ phần gốc luôn được đặt trong nước để cây có thể hấp thụ đủ nguồn nước cho việc sinh trưởng và phát triển. 

  • Bạn có thể thu hoạch xà lách sau khoảng 2 tuần, khi cây đã phát triển đủ lớn và lại tiếp tục dùng phần gốc đó để trồng lại đợt mới. Thật đơn giản đúng không nào!

2.2. Cách trồng xà lách từ gốc bằng đất

Cách trồng xà lách từ gốc tiếp theo cũng tương tự như cách đầu tiên, nhưng thay vì sử dụng nước, chúng ta sẽ trồng trong đất như bình thường. Xà lách là loại rau dễ dàng thích ứng với khí hậu Việt Nam, dễ trồng và dễ chăm sóc, chính vì thế bạn có thể trồng chúng vào bất cứ mùa nào trong năm. Xà lách có thể thu hoạch sau khoảng 35-40 ngày gieo trồng.

  • Về loại đất thích hợp, bạn có thể chọn mua ở những cửa hàng bán cây cảnh, các loại đất này đã được trộn sẵn với liều lượng thích hợp cho sự phát triển của cây. Hoặc bạn có thể trộn đất dinh dưỡng cùng xơ dừa đã được xử lý vi sinh theo tỷ lệ 1:1. Phân bón thì nên chọn các loại phân hữu cơ đã được ủ hoai và xử lý kỹ càng. 

  • Với cách trồng này, bạn có thể trồng trong thùng xốp hay khay nhựa với kích thước 40x60cm. Dưới đáy thùng đục các lỗ nhỏ cách đều nhau để thuận lợi cho cây thoát nước. 

  • Sau khi đã chuẩn bị xong các bước trên, dùng phần gốc xà lách đặt vào trong khay hoặc chậu sao cho ½ phần gốc được chôn sâu trong đất, sau đó chăm sóc cây tương tự như phương pháp trên. Tưới đủ nước cho cây và đặt cây ở nơi thoáng mát, đủ ánh sáng và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây. Nên sử dụng bình tưới có tia nhỏ khi tưới cây để có thể dễ dàng điều tiết lượng nước mà cây có thể nhận, nếu không cây sẽ dễ bị ngập úng. 

3. Lưu ý khi trồng xà lách từ gốc tại nhà

  • Tưới nước: Cần tưới nước cho cây 2 lần mỗi ngày, vào mỗi sáng và tối. Vào những ngày mưa thì có thể giảm bớt, khoảng 1-2 ngày tưới một lần. Khi tưới tránh tưới quá mạnh vì có thể gây xói mòn đất, không tốt cho cây. 

  • Bón phân: Sau khi cây bắt đầu ra từ 2-3 cặp lá, mọi người có thể đổi sang dùng phân trùn quế để bón cho cây.

  • Phòng ngừa sâu bệnh: Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây. Ngày nay có rất nhiều loại chế phẩm sinh học được làm từ các nguyên liệu an toàn, không gây ảnh hưởng đến cây cũng như sức khỏe con người. 

  • Cắt tỉa: Thường xuyên quan sát và cắt tỉa phần lá bị héo, úa dưới gốc cây để tránh nấm bệnh tấn công những cây rau còn lại.

Trên đây là một số bước đơn giản của hai cách trồng xà lách từ gốc. Hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ mang đến cho mọi người một vườn rau tươi xanh xinh đẹp nhé!

Tác giả: Team Cleanipedia

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo

Nguồn bài viết: https://www.cleanipedia.com/vn/ngoai-nha/cach-trong-xa-lach-tu-goc.html

Related Posts