Chi tiết cách ủ cá tưới cây đơn giản tại nhà

1. Giới thiệu về phân cá

Tuy phân cá có nhiều công dụng là thế, nhưng nhiều người vẫn đang phân vân không biết bên trong chúng có chứa những gì, cách sử dụng phân cá ra sao, hay phân cá sẽ phù hợp với loại cây nào. Nếu bạn cũng đang băn khoăn những vấn đề trên, thì hãy để Cleanipedia giải mã cho bạn nhé. 

1.1. Phân cá là gì?

Phân cá – hay còn gọi là phân đạm cá – là loại phân bón đặc trưng được ủ từ cá tươi. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong cá có chứa rất nhiều vitamin, protein cũng như các khoáng chất có lợi cho cây trồng. Tuy nhiên để cây có thể dễ dàng hấp thụ các dưỡng chất này, người ta phải áp dụng cách ủ cá tưới cây để cá chuyển thành các hợp chất dễ tiêu thông qua quá trình phân giải.

1.2. Công dụng của phân cá đối với cây trồng

  • Chứa rất nhiều axit amin, vitamin, protein và khoáng chất có lợi cho cây.

  • Hỗ trợ cải tạo đất, làm đất tơi xốp, giảm khô cằn, bạc màu. 

  • Hỗ trợ đào thải các chất nhiễm mặn có hại cho cây như nitrat và phèn.

  • Tăng cường sức đề kháng của cây, giúp cây chống lại sâu bệnh cũng như thời tiết khắc nghiệt. 

  • Giữ ẩm cho đất.

  • Kích thích cây ra hoa, ra quả, làm cho cây trẻ hóa và khỏe lại. 

1.3. Khi nào cần ủ cá tưới cây?

Phương pháp ủ cá tưới cây sẽ thích hợp cho những cây đang thiếu đạm. Có thể nhận biết cây thiếu đạm thông qua các dấu hiệu như cây sinh trưởng kém, phát triển chậm, cây còi cọc và thiếu sức sống, lá nhỏ và bắt đầu chuyển sang màu vàng. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt chất dinh dưỡng đã cản trở quá trình sinh hóa của cây, ngăn cản khả năng hình thành nên các mô và tế bào.

2. Cách ủ cá để tưới cây đơn giản

Hiện nay có rất nhiều cách ủ cá tưới cây khác nhau, tuy nhiên để hạn chế mùi hôi và hạn chế gây ảnh hưởng tới khu vực xung quanh, bạn có thể sử dụng thêm các chế phẩm men vi sinh ủ cá. 

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • Cá tươi: Bạn có thể sử dụng cá nước mặn hoặc nước ngọt tùy chọn. Nên chuẩn bị nhiều cá nhất có thể để tập trung ủ một lần, tránh ủ nhiều lần sẽ rất mất thời gian. Ngoài cá tươi, bạn cũng có thể dùng các bộ phận khác của cá như đầu cá, vây cá hoặc ruột cá. Đối với cá nước mặn, bạn cần rửa thật sạch trước khi ủ để giảm lượng muối có trong cá, bởi nó sẽ không tốt cho phân cá của bạn. Nếu có thể hãy ưu tiên chọn lựa cá nước ngọt, chẳng hạn như cá rô phi, cá ba sa,…

  • Các chế phẩm men vi sinh ủ cá – men ủ cá: Với mục đích chính là để hạn chế mùi hôi của phân cá, bạn có thể lựa chọn các loại men như chế phẩm EM dạng dịch hoặc men vi sinh ủ cá EMZEO. Thông thường mọi người sẽ ưa chuộng men EMZEO nhiều hơn, bởi loại men này sẽ cho ra dịch đạm cá chất lượng cao hơn, đảm bảo được dòng phân cá hữu cơ vi sinh. Hơn nữa EMZEO còn giúp phân hủy cá nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo khử mùi hiệu quả. 

  • Lưới lọc: Dùng để lọc lấy dịch đạm cá. Tùy theo số lượng cá ủ phân mà kích thước lưới lọc cũng sẽ khác nhau. 

  • Thùng chứa: Để chứa phân cá, kích thước thùng cũng sẽ phụ thuộc vào số lượng cá đem ủ. 

  • Chai nhựa: Đựng dịch đạm cá sau khi ủ. 

  • Mật rỉ đường: Nếu không có loại này, bạn có thể dùng đường phên hoặc đường mật mía để thay thế. 

2.2. Chi tiết cách làm

Cách ủ cá tưới cây bao gồm các nguyên liệu: 10kg cá tươi nguyên con (hoặc 25kg cá đã xay nhuyễn); 1 gói chế phẩm men vi sinh ủ cá EMZEO 200gr; 500ml mật rỉ đường và nước sạch. 

  • Bước 1: Chọn cá tươi, có thể giữ nguyên con hoặc xay nhuyễn trước khi ủ. Chọn lựa cá thật kỹ, tránh để cá bị ươn thối vì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của phân cá. 

  • Bước 2: Rắc đều mật rỉ đường và men vi sinh ủ cá EMZEO theo tỷ lệ 200gr men EMZEO : 0,5kg mật rỉ đường (hoặc đường phên đen) : 10-15kg cá. Trong trường hợp cá quá khô có thể bổ sung thêm nước sạch với tỷ lệ 500ml nước : 10kg cá. 

  • Bước 3: Trộn đều và đậy thật kín, dùng bao đen để bọc bên ngoài, giúp quá trình ủ được thuận lợi hơn. 

  • Bước 4: Sau khoảng 10 ngày ủ thì bắt đầu châm thêm nước. Cứ 10kg cá sẽ thêm vào từ 15-20 lít nước. Khuấy thật đều và tiếp tục ủ thêm khoảng 20-25 ngày là có thể sử dụng. 

  • Bước 5: Cá sau khi đã được ủ xong sẽ chuyển qua bước lọc, dùng lưới lọc để lấy dịch đạm cá. Sau khi lọc xong, cho dịch cá vào chai kín để sử dụng dần. Phần bã cá còn lại có thể dùng để ủ tiếp hoặc đem bón vào những gốc cây lâu năm.

3. Lưu ý khi ủ cá tưới cây

  • Phải đảm bảo rằng bạn đã loại bỏ tối đa lượng muối có trong cá trước khi ủ. Cá nước mặn sẽ tốn thời gian ủ nhiều hơn cá nước ngọt. Và bởi vì lượng muối có trong cá nước mặn khá cao, bạn không nên dùng phân cá nước mặn để bón cho lá. 

  • Men vi sinh sẽ hoạt động rất mạnh trong suốt quá trình ủ cá, dẫn đến sinh khí nhiều. Chính vì thế thùng chứa ủ cá phải có dung tích lớn và có lỗ thoát khí.

  • Đậy thùng ủ thật kín để ngăn cản ruồi bọ đến đẻ trứng và sinh dòi. 

  • Đảm bảo vệ sinh, luôn luôn dùng nước sạch để ủ cá. 

  • Không được gây ảnh hưởng lên quá trình yếm khí của bình đựng. 

  • Vỏ dứa hoặc đu đủ cũng có thể dùng để bổ sung enzyme phân giải tự nhiên cho phân cá, giúp rút ngắn thời gian ủ phân. 

  • Tuy phân cá có nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cây, bạn cũng không nên quá lạm dụng chúng, nếu không cây có thể bị thừa đạm, dẫn đến dễ mắc bệnh hơn bình thường.

Vừa rồi là chi tiết về cách ủ cá tưới cây đơn giản tại nhà, hy vọng các bạn đã có thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức hữu ích. 

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo

Nguồn bài viết: https://www.cleanipedia.com/vn/ngoai-nha/chi-tiet-cach-u-ca-tuoi-cay-don-gian-tai-nha.html

Related Posts