Hướng dẫn cơ bản cách trồng dưa leo trong chậu

Cách trồng dưa leo trong chậu cơ bản đúng chuẩn

Để quá trình chăm sóc được dễ dàng hơn, nếu bạn có ý định trồng dưa leo trong chậu thì giống dưa leo bụi là lựa chọn tốt nhất. Chúng nhỏ gọn và thích hợp phát triển trong chậu cây. Ngoài ra, bạn còn phải lựa chọn giống cây phù hợp với khí hậu địa phương.

Thời gian trồng dưa leo cũng rất quan trọng:

  • Ở khu vực miền Nam: vì là vùng khí hậu nhiệt đới, bạn có thể trồng dưa leo quanh năm. Để chất lượng khi thu hoạch tốt nhất, nên chọn mùa vụ từ tháng 5 – tháng 8 hoặc tháng 11 – tháng 2 năm sau.

  • Ở khu vực miền Bắc: nên tránh trồng vào mùa hè vì cây sẽ phát triển chậm. Canh tác vụ xuân từ tháng 2 – tháng 4 hoặc thu đông từ tháng 9 – tháng 1 năm sau là thời điểm thích hợp.

>> Xem thêm: Từ A đến Z bí quyết trồng rau trong thùng xốp luôn tươi xanh

Lựa chọn chậu trồng phù hợp

Ngoài việc phải tìm hiểu về cách trồng dưa leo trong chậu đơn giản, việc lựa chọn chậu cũng nên được để ý kỹ. Dưa leo là loài thực vật ưa nước nên sẽ sinh trưởng tốt trong chất liệu giữ được độ ẩm như nhựa hoặc gốm. Chậu cũng cần phải có lỗ ở dưới đáy để thoát nước, điều này sẽ giúp rễ cây không bị úng.

  • Chậu càng to sẽ giữ độ ẩm hiệu quả hơn, nên chọn chậu có chiều rộng ít nhất là 50cm và độ sâu khoảng 30cm. 

  • Ở giai đoạn là một cây con, dưa leo cần làm giá đỡ như giàn hoặc là cọc để định hình và có chỗ bám vươn lên. 

  • Tuy dưa bụi nhỏ nhưng nếu có cọc chống sẽ rất tốt cho sự phát triển của cây. Làm cọc cũng rất đơn giản, bạn có thể dùng 3 thanh tre hoặc gỗ buộc đầu trên chúng lại với nhau, tạo thành hình chiếc lều. Hoặc bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng bán dụng cụ làm vườn nếu không có sẵn đồ để làm.

Các bước gieo trồng

Bước 1: Ủ mầm dưa leo trước khi trồng

Đây là bước kích thích dưa leo ra rễ và phát triển. Sau khi mua hạt giống về, tiến hành ủ từ 2-3 tiếng với nước ấm có nhiệt độ khoảng 30-35°C. Sau khi ngâm xong, rửa hạt với nước sạch rồi tiếp tục ủ với khăn ẩm từ 3-5 ngày ở nhiệt độ phòng. Quan sát và kiểm tra khi thấy hạt nứt và bắt đầu nảy mầm thì có thể đem đi trồng.

>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng rau mầm bằng xơ dừa

Bước 2: Cách trồng dưa leo trong chậu đơn giản

Sau khi thu được mầm dưa leo, bắt đầu đến với bước gieo cây vào chậu. Đầu tiên, bạn nên làm tơi đất rồi mới xới vào chậu. Tiếp theo, dùng ngón tay để tạo lỗ trồng khoảng 1cm và gieo từ 2-3 hạt vào lỗ vừa tạo rồi lấp đất lại. Phủ lên một lớp khăn và để nơi nắng ấm để kích thích cây phát triển nhanh chóng.

  • Đất được chọn phải là loại đất thịt pha cát trộn với phân hữu cơ, phân xanh, trùn quế, than mùn, xơ dừa… đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây và có độ tơi, thoát nước dễ dàng. 

  • Không nên trộn đất rồi trồng ngay, trước khi trồng 7 ngày nên bón phân hữu cơ cho đất. Trộn thêm các loại phân lân, đạm và kali để giúp đất có độ pH ổn định từ 6-7 phù hợp với cây con ở thời kỳ đầu.

Tưới nước cho cây bằng bình xịt phun sương để cây dưa leo non không bị gãy.

Lưu ý khi chăm sóc 

Tránh để để đất bị khô hạn. Tưới nước định kỳ cho dưa leo 2 lần/ngày vào thời điểm sáng sớm và chiều mát.

  • Từ 1-2 tuần đầu, cây con sẽ lớn và bắt đầu vươn bám xung quanh. Nếu có nhiều cây, bạn nên cắt tỉa cây dưa leo sao cho chỉ còn lại 2-3 cây trong một chậu. Ủ thêm rơm, cỏ khô cho cây để giúp giữ ẩm tốt hơn.

  • Giai đoạn cần chăm sóc kỹ nhất là 1 tháng sau khi trồng. Để chất lượng khi thu hoạch cho ra quả giòn, ngọt bạn nên bón phân để nạp thêm dinh dưỡng cho dưa leo. Hoà một chút phân lân, đạm, kali vào nước để tưới định kỳ cho cây. Loại bỏ cỏ dại, lá vàng để đảm bảo môi trường tốt nhất cho cây lớn nhanh.

  • Tiến hành đặt cọc để cây định hình và tiếp tục phát triển. Có thể để cây làm giàn tựa vào vách tường, cho cây leo tựa vào ban công. Không nên để cây non bám lấy mặt đất vì rất dễ bị thối và hư hại dẫn đến yếu ớt và không thể sống sót.   

  • Ở tháng thứ 2, dưa leo bước vào giai đoạn sinh hoa kết trái, nhu cầu dinh dưỡng cần gấp đôi so với tháng đầu. Tiếp tục hòa phân bón với nước để cung cấp đủ lượng nước để cây đạt chuẩn năng suất đầu ra. Nếu để cây rơi vào tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, khi ra quả sẽ còi cọc và đắng chát.

Thu hoạch và bảo quản

Vụ mùa trung bình của dưa leo thường là 3 tháng, nên thu hoạch vào sáng sớm và chiều mát vì đây là lúc quả ngon nhất, thời tiết lại mát mẻ giúp thuận lợi hơn.

  • Dấu hiệu quả đã thu hoạch được là lúc kích thước quả vừa phải, vỏ xanh mượt, phần đầu còn cánh hoa chưa rụng, phủ lớp phấn trắng.

  • Sau khi hết đợt 1, tiếp tục bón phân 2 lần/ tuần để tái tạo lại đất trồng, duy trì tưới nước để cây tiếp tục cho ra hoa tiếp theo.

  • Để bảo quản dưa leo tươi ngon, bạn có thể để ở nơi khô ráo, mát mẻ với nhiệt độ phòng bình thường. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng mẹo bảo quản dưa leo trong tủ lạnh đơn giản bằng việc bọc từng quả vào khăn giấy rồi cất trong túi nilon kín. 

Tuy nhiên, dưa leo sẽ đạt độ ngon và tươi nhất là lúc vừa mới hái, bạn nên tận hưởng thành quả của mình ngay lúc này để cảm nhận được rằng công sức trồng trọt của bạn là xứng đáng nhé. 

Mong rằng hướng dẫn cách trồng dưa leo trong chậu đơn giản này hữu ích và giúp bạn có một vườn rau xanh mướt, bội thu. Đừng quên chia sẻ cho bạn bè, người thân những kiến thức bổ ích để việc trồng rau trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn nhé!

Tác giả: Team Cleanipedia

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.

Nguồn bài viết: https://www.cleanipedia.com/vn/ngoai-nha/cach-trong-dua-leo-trong-chau.html

Related Posts